Tình Yêu Nào?

Tình Yêu Nào?

Trong cuộc sống, không ai không muốn được yêu, vì nền tảng đời sống hạnh phúc chính là sự an bình và thỏa mãn khi được yêu.
Tuy nhiên chúng ta biết rất ít về tình yêu cũng như đường lối đi đến tình yêu. Không mấy ai chịu học hỏi về tình yêu hay là tìm đọc sách vở hữu ích về tình yêu. Trong phạm vi giáo dục vấn đề hệ trọng và cần thiết nầy thường bị bỏ quên.
Có nhiều cách xếp loại tình yêu, nhưng chúng ta có thể chia ra làm ba loại. Chúng ta cần tìm hiểu từng loại vì hạnh phúc của mỗi chúng ta tùy thuộc vào tình yêu mình theo đuổi.

Tình yêu “NẾU”

Loại tình yêu đầu tiên gọi là tình yêu “nếu”. Đó là loại tình yêu chúng ta nhận được nếu chúng ta đáp ứng được một số đòi hỏi nào đó. “Nếu con ngoan, cha sẽ yêu con.” “Nếu anh tặng quà cho tôi, tôi sẽ yêu anh.” “Nếu anh hứa cưới tôi, tôi sẽ hiến tình tôi cho anh.”“Nếu anh có thể trở thành một người chồng lý tưởng, tôi sẽ trở thành người vợ trung thành của anh.” Đây là loại tình yêu thông thường nhất và có lẽ đôi người không hề biết tình yêu nào khác ngoài loại nầy. Đó là tình yêu ràng buộc, có điều kiện, tình yêu đổi chác. Động lực thúc đẩy tình yêu là ích kỷ và mục đích chỉ là vụ lợi.

Hình thức thấp nhất của loại tình yêu nầy phơi bày nhan nhản trong các phim ảnh, báo chí và tiểu thuyết rẻ tiền. “Nếu anh làm thỏa mãn những đòi hỏi của tôi, tôi sẽ yêu anh.” Nhiều người, nhất là thanh niên, không ý thức được rằng tình yêu họ mong chiếm hữu bằng cách thỏa mãn những nhu cầu sinh lý là loại tình yêu rẻ tiền không thể thỏa mãn họ được và không có giá trị gì cả. Am-nôn, con vua Đa-vít, vì say mê sắc đẹp Ta-ma, người em cùng cha khác mẹ, nên đã vờ đau để đòi cho được nàng vào phòng săn-sóc mình. Một hôm chàng nắm lấy tay nàng và nói: “Em gái của anh, đến nằm với anh.” Nhưng cô ta trả lời: “Không được, anh đừng cưỡng ép tôi, không ai làm điều ô nhục nầy trong dân Do-thái, anh đừng hành động điên rồ như vậy.” Nhưng chàng không chịu nghe, và vì mạnh hơn nên chàng đã bắt nàng nằm với mình. Rồi sau đó Am-nôn ghê tởm Ta-ma và khinh bỉ nàng hơn cả tình yêu ngày trước đối với nàng (II Sa-mu-ên 13:1-15). Đây là hình thức yêu ích kỷ biến đổi nhanh chóng thành thù hằn.

Nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ vì xây dựng trên tình yêu “nếu”, chú rể và cô dâu yêu nhau không với tình yêu chân thật, nhân cách thật của mỗi người mà với những hình dáng rực rỡ và lãng mạn bên ngoài. Khi những ảo ảnh tan biến, mong ước không được đáp ứng, yêu liền biến thành ghét. Điều bi đát là có thể lỗi không phải tại họ, nhưng chỉ vì họ chưa được biết một loại tình yêu nào khác ngoài loại tình yêu “nếu”.

Đôi khi ngay cả tình yêu của cha mẹ, thường được xem là cao quý nhất, cũng không vượt qua khỏi loại tình yêu “nếu”. Cách đây vài năm, trên trang đầu của các nhật báo có đăng tin một thanh niên tự tử. Vì muốn thi vào đại học Tokyo để làm vui lòng cha mẹ, cậu đã học rất chăm, ngay khi còn ở trung học, ngoài giờ học ở trường, cậu còn đi học thêm rất nhiều. Nhưng cậu thi hỏng, nên không dám về nhà gặp mặt cha mình. Để giải khuây, cậu đến suối nước nóng Hakone chờ một tuần lễ, khi cậu trở về nhà, cha cậu giận dữ quát mắng: “Mày không biết nhục sao, đã hỏng thi mà còn lao vào một chỗ như Hakone nữa?” Cậu trả lời: “Thưa cha, cha đã có lần nói, khi buồn bã người ta thường thích đến Hakone.” Người cha không biết trả lời thế nào, và trong cơn giận, đã đánh đập cậu tàn nhẫn. Tối hôm ấy, cậu tháo ống hơi lò sưởi trên tường đưa vào miệng, hút hơi đầy phổi tự vận. Báo chí cho cậu tự vận vì khủng hoảng tinh thần, nhưng tôi tưởng nguyên nhân là vì cậu bất ngờ khám phá rằng tình yêu của cha mình là loại tình yêu đặt điều kiện, ông chỉ yêu khi cậu đạt đến ước vọng của ông.

Tất cả chúng ta đang mong ước một cái gì cao cả hơn loại tình “nếu” nầy. Khi biết mình có thể tìm được tình yêu chân thực hơn, đời sống như cậu thanh niên kia, bạn vui sống vì tìm được ý nghĩa và giá trị của cuộc đời mình.

Tình yêu “VÌ”

Loại tình yêu thứ hai có thể gọi là tình yêu “vì”. Trong tình yêu “vì” người được yêu có một lý do trong con người, tài sản sở hữu hay hành động của mình đáng cho người khác yêu.

Người được yêu có một giá trị hay một điều kiện nào đó. “Tôi yêu nàng vì nàng dễ yêu.” “Tôi yêu anh vì anh quá tốt đối với tôi.” “Tôi yêu anh vì anh khác những người khác, anh nổi tiếng, giàu có, danh giá...”“Tôi yêu anh vì anh che chở được tôi.”“Tôi yêu anh vì anh rộng rãi và đưa tôi đi chơi nhiều nơi thơ mộng.” Chúng ta có thể chê cười những câu nói như thế, nhưng chính chúng ta thường yêu một người vì tìm thấy nơi người ấy vài đặc điểm đáng yêu, hay vì người ấy đã chiếm tình yêu chúng ta bằng cách nào đó. Có lẽ chúng ta thích loại tình yêu nầy hơn loại tình yêu “nếu”. Tình yêu “nếu” luôn luôn đòi hỏi giá trả nên người được yêu vì những gì có sẵn có trong con người mình vẫn dễ dàng hơn, chúng ta không cần phải cố gắng để được yêu. Người được yêu đó phải lo lắng vì biết rằng mình vốn có sẵn một điểm đáng yêu.

Tuy nhiên chẳng bao lâu tình yêu nầy cũng đưa chúng ta đến tình trạng tình yêu “nếu”. Khi được yêu vì mình đáng yêu, chúng ta thỏa mãn và tìm cách tăng thên giá trị của mình bằng cách thu hút người khác, nên chúng ta cố gắng không ngừng để được yêu chuộng hơn. Chúng ta sẽ lo sợ mất tình yêu nầy nếu có một kẻ khác trổi hơn ta xuất hiện. Như thế chúng ta sẽ rơi vào sự ganh đua không ngừng để tìm kiếm tình yêu. Một đứa trẻ trong gia đình ghen tị khi có một đứa trẻ khác đến ở. Một cô gái tầm thường ghen tị với một thiếu nữ khác đẹp hơn mình. Một thanh niên ganh tị một thanh niên khác có xe hơi lộng lẫy. Vợ ghen với cô thư ký kiều diễm của chồng. Vậy, đâu là đảm bảo cho loại tình yêu nầy?

Kinh thánh nói rõ: “Tình yêu toàn hảo xua đuổi sự sợ hãi” (I Giăng 4:18). Như thế, thứ tình yêu “vì” thiếu bảo đảm. Trước hết nó làm ta lo sợ rằng mình không phải là con người đáng yêu như người khác tưởng. Nhân cách của mỗi người đều có hai mặt, một mặt bày tỏ ra cho mọi người, một mặt chỉ chính ta biết. Lúc nào chúng ta cũng cố tình che giấu bộ mặt thứ hai vì sợ người yêu thất vọng bỏ ta.

Một lý do khác nữa là sợ có một lúc nào đó trong tương lai chúng ta sẽ thay đổi và không còn đáng yêu như hiện tại. Có một thiếu nữ rất đẹp làm việc trong một hãng giặt nọ. Một hôm nồi đun nước nổ, nước sôi làm phỏng khắp người cô. Thân thể cô biến dạng cách kinh khủng. Trong bệnh viện, cô băng hết cả mặt và không cho ai thăm trừ vị bác sĩ. Chàng thanh niên đã hứa hôn với cô liền từ hôn. Trong mấy tháng cô nằm tại bệnh viện cho đến lúc tắt thở, cha mẹ cô dù đang ở trong cùng một thành phố cũng không muốn thăm cô. Tình yêu cô chiếm được đã mất sau một đêm, vì tình yêu đó đặt trên sắc đẹp của cô. Tình yêu đã mất theo cùng với sắc đẹp.

Tình yêu “MẶC DẦU

Loại tình yêu thứ ba có thể gọi là tình yêu “mặc dầu”. Nó khác hẳn loại tình yêu “nếu” vì không có một ràng buộc và không đòi hỏi một trao đổi nào cả. Nó khác loại tình yêu “vì” là nó không dựa trên đặc điểm quyến rũ nơi người được yêu. Ở đây một người được yêu bất chấp cả tình trạng của người đó chứ không phải vì một lý do gì. Một người xấu xí nhất, đê tiện nhất, hèn hạ nhất trên đời vẫn có thể được yêu khi người ấy gặp được tình yêu “mặc dầu”. Người ấy không cần phải xứng đáng với tình yêu, cũng không cần phải dùng đạo đức vẻ đẹp hay giàu sang để chiếm hữu. “Mặc dầu” người ấy có lầm lỗi, ngu muội, xấu xa, hay độc ác, người vẫn được yêu trong địa vị hiện tại của mình. Người đó có thể hoàn toàn không xứng đáng nhưng vẫn được yêu ngay trong tình trạng tuyệt đối không xứng đáng.

Đây là tình yêu mà lòng chúng ta mòn mõi khao khát. Dù bạn có nhận thức được tình yêu nầy hay không, đối với bạn nó vẫn là quan trọng hơn cả thức ăn, đồ uống, áo quần, nhà cửa, gia đình, của cải, công danh và tiếng tăm của bạn. Căn cứ vào đâu để có thể nói như thế? Tôi chỉ xin hỏi bạn một câu: Nếu bạn cảm thấy không ai trên thế giới nầy lưu ý đến bạn không một người thật lòng yêu bạn thì bạn có còn thích ăn uống, áo quần, nhà cửa, của cải, thành công danh và danh vọng nữa không? Bạn sẽ không tự hỏi? “Sống để làm gì” sao? Ví thử bây giờ bỗng có cuộc cãi vã gay cấn xảy ra giữa bạn và người thân yêu nhất và bạn nhận ra được rằng người đó yêu bạn chỉ vì những lợi lộc có thể kiếm chác nơi bạn, lòng bạn sẽ không tê tái và hết muốn sống thêm sao? Ngay cả lúc bạn sống lây lất, cố thuyết phục là mình có hạnh phúc, bạn có thể nào kéo dài khoảng đời còn lại nếu chẳng hi vọng rằng một ngày kia sẽ có người yêu bạn với một tình yêu chân thật, sâu đậm và thỏa đáng chăng? Có lẽ bạn sẽ thất vọng chấm dứt đời mình, hoặc nếu chưa đến mức độ đó, thì bạn cũng hủy hoại dần đời mình với lối sống bừa bãi, rẻ giá cho đến lúc bạn chỉ còn là một thân xác cử động.

Bạn đang sống là vì tưởng mình đang nhận được nơi kẻ khác tình yêu giống như tình yêu “mặc dầu” hoặc đang hi vọng ngày nào đó sẽ tìm được loại tình yêu nầy. Nhưng nơi con người chúng ta không thể tìm được loại tình yêu nầy, loại tình yêu có thể đem lại thỏa mãn cho chúng ta, vì mọi người đều thiếu nó, không ai có thừa để cho chúng ta cả. Chúng ta hy vọng người thân của chúng ta sẽ cho chúng ta tình yêu ấy nhưng chính người thân của chúng ta lại đang đi tìm nó nơi một kẻ khác. Trong trần gian nầy, chúng ta chỉ có vừa đủ tình yêu để thấy thèm khát hơn và cảm biết chúng ta cần thiết nó là chừng nào. Nhu cầu thiết yếu nhất của con người là loại tình yêu “mặc dầu” nầy.

Chúa Cứu Thế Giê-xu và tình yêu "Mặc dầu"

Sứ điệp tuyệt diệu của Kinh Thánh ấy là lần đầu tiên, con người tìm gặp tình yêu quí giá nầy trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, một tình yêu mang lại thỏa mãn hoàn toàn cho con người. Suốt cả lịch sử con người cứ khao khát mong đợi tình yêu chân chính nầy, nhưng vẫn chưa khi nào tìm được. Thượng Đế đã không để con người trông mong trong vô vọng. Ngài đã đem đến cho mỗi người tình yêu chan hòa. Qua sự thăm viếng của Chúa Giê-xu, lần đầu tiên trong lịch sử, con người thấy và biết được tình yêu trong trắng tuyệt đối nầy bằng trái tim của mình chứ không phải chỉ khao khát và chiêm nghiệm nó.

Tình yêu Chúa Cứu Thế Giê-xu đem từ Thượng Đế đến cho chúng ta không phải loại tình yêu “nếu”. Thượng Đế không nói với chúng ta: “Ta sẽ yêu ngươi nếu người trở nên một tín đồ Chúa Cứu Thế.” Thượng Đế yêu Cơ-đốc-nhân cũng như yêu người khác, không thiên vị. Ngài không bảo: “Ta sẽ yêu ngươi nếu người tốt và đạo đức, nếu người đi nhà thờ, nếu người đọc Kinh thánh, nếu ngươi trở thành mục sư, một linh mục...vv...” Trong tình yêu nầy không hề có một chữ “nếu” nào cả. Ngài yêu chính con người hiện tại của chúng ta. Ngài yêu chúng ta sâu đậm bất chấp cả tình trạng xấu xa của mình. Nếu càng ngày chúng ta càng sa đọa và phản bội, Ngài vẫn yêu chúng ta với tình yêu đầy trọn ấy. Ngài yêu chúng ta chẳng phải vì được một lợi lộc nào. Chúng ta không cần phải thỏa mãn một đòi hỏi hoặc một điều kiện nào cả. Làm thế nào tôi có thể chứng minh điều nầy? Sự kiện Chúa Cứu Thế Giê-xu chết trên cây thập tự giá là một bằng chứng. Chúa Cứu Thế Giê-xu, Con của Thượng Đế, đã đến thế gian sống nhân đức và yêu thương mọi người, hi sinh cho những kẻ khốn khổ, bị khinh bỉ, là những kẻ không mong có gì để đền đáp. Ngài đã trả một giá rất cao để phụng sự những người không có gì báo đáp lại ngài. Ngài hay bị chỉ trích là sống chung với đám dân nghèo nàn, xấu xa, bệnh hoạn, dốt nát, trụy lạc, bị xã hội ruồng bỏ. Rồi vâng ý Thượng Đế, Ngài chịu chết trên Thập tự giá cho tội lỗi của nhân loại. Ngay cả khi bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài vẫn yêu kẻ giết Ngài: “Lạy Cha, xin tha tội cho họ vì họ không biết điều mình làm” (Lu-ca 23:34). Đúng như Thánh Phao-lô đã nói: “Thượng Đế bày tỏ tình yêu Ngài đối với chúng ta, trong khi chúng ta còn là người có tội thì Chúa Cứu Thế đã chết vì chúng ta” (Rô-ma 5:8). Đây là tình yêu “mặc dầu” chân chính thể hiện cách đầy trọn và trong sạch.

Tình yêu của Chúa Cứu Thế Giê-xu không phải là một lý thuyết hay một giáo lý nhưng là một chứng minh cụ thể. Đây không chỉ là một gương sáng nêu ra hai ngàn năm trước, nhưng tình yêu nầy ngày nay vẫn còn hiệu lực đối với bất cứ người nào muốn nhận nó. Chúa Giê-xu không còn chết, Thượng Đế đã làm cho Ngài sống lại và hiện nay Ngài đang sống, rất gần với bạn trong khi bạn đọc quyển sách nhỏ nầy. Ngài có thể và rất muốn yêu bạn với tình yêu “mặc dầu”. Tôi không cần phải biện luận về điều nầy. Nếu muốn, bạn chỉ cần nói cách đơn giản rằng: “Ngay bây giờ con muốn nhận được tình yêu nầy của Chúa hơn bất cứ cái gì khác và còn bằng lòng tiếp nhận cách khiêm nhường” rồi bạn sẽ kinh nghiệm ngay hôm nay rằng tình yêu là chân thật.

Nguồn tình yêu

Ngay cả hôm nay, Chúa Cứu Thế Giê-xu vẫn là nguồn duy nhất của tình yêu “mặc dầu”. Ngài là Đấng đã chết trên cây thập tự giá và là Chúa luôn luôn sống. Tín đồ Chúa Cứu Thế cũng không có tình yêu nầy hơn những người khác trừ khi họ đến với Chúa Cứu Thế mỗi ngày và nhờ Ngài làm tình yêu tinh khiết. Thời đại tân tiến ngày nay hay giáo hội cũng không thể chế tạo ra tình yêu này được. Giáo hội không hơn cá nhân tín đồ, không thể có tình yêu “mặc dầu” trừ khi nhận lấy tình yêu tươi mới nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu mỗi ngày. Tại sao Chúa Cứu Thế Giê-xu là nguồn duy nhất của tình yêu “mặc dầu”? Tại sao nếu không đến với Chúa Cứu Thế con người không thể có tình yêu nầy? Mỗi người đều bị giới hạn và bất toàn, đều có những nhu cầu, đòi hỏi, thiếu thốn riêng. Dù cho già dặn, khôn ngoan, trưởng thành, giàu có hoặc quyền thế đến đâu, con người cũng vẫn cần đến sự giúp đỡ của kẻ khác vì chính bản thân người vốn không hoàn toàn. Chỉ Thượng Đế là Đấng duy nhất trọn lành. Nếu không, Ngài chẳng phải là Thượng Đế mà chỉ là một tạo vật khác chúng ta. Thượng đế là Đấng sáng tạo siêu việt, thân vị hoàn hảo duy nhất, Thượng Đế không thiếu thốn, Ngài không cần chúng ta hay tình yêu của chúng ta. Chỉ mình Ngài có thể ban cho mãi mãi mà vẫn luôn còn đầy đủ hoàn toàn. Ngài là Đấng duy nhất có thể yêu kẻ khác với một tình yêu “mặc dầu” không đòi hỏi một đền đáp. Có người cho rằng mình yêu người khác và nhân loại với tình yêu bất chấp tình trạng của họ, nhưng nếu đem phân tích kỹ càng sẽ thấy những người nầy đều mong người khác đền đáp lại tình yêu của mình và thật ra họ chỉ yêu chính mình mà thôi. Lòng ích kỷ và sự suy nghĩ quy hướng về chính mình luôn luôn len lỏi cách kín đáo vào mọi ý định yêu người khác bất chấp tình trạng của họ, chúng ta mong kẻ khác biết ơn sự cố gắng của mình, hay mong tình yêu của chúng ta sẽ đem lại một cái gì tốt đẹp lâu dài. Nếu không, cố gắng của chúng ta để yêu kẻ khác sẽ sớm chấm dứt trong cay đắng, chán nản và căm hờn. Tình yêu của con người vốn không trong sạch như chúng ta tưởng. Tình yêu của Thượng Đế đối với chúng ta qua sự trung gian của Chúa Cứu Thế Giê-xu vẫn là tình yêu “mặc dầu” duy nhất chân thật.

Bạn muốn tình yêu nào?

Bây giờ, trong ba loại tình yêu nầy, bạn muốn loại nào? Có lẽ ít người muốn chọn loại tình yêu “nếu” vì loại tình yêu này bao hàm cố gắng và căng thẳng không ngừng. Còn lại hai loại kia, thì sao? Điều đáng ngạc nhiên là rất nhiều người muốn chọn loại tình yêu “vì”. Lý do có lẽ là vì con người cảm thấy tự mãn khi được yêu theo cách này. Nếu ai được yêu ấy phải là người tốt. Tình yêu như thế sẽ đưa đến sự tự kiêu.

Mặc khác, được yêu với tình yêu “mặc dầu” có thể là một điều nhục nhã. Có được bao thiếu nữ chịu chấp nhận đề nghị kết hôn khi một thanh niên đến bảo với cô ta rằng: “Em yêu quí nhất của anh, anh sẽ cưới em dù là em có thế nào chăng nữa.” Nhưng chính đó là điều Thượng Đế nói với chúng ta. Ngài không thể yêu chúng ta vì chúng ta như thế nào nhưng là “mặc dầu” chúng ta có như thế nào chăng nữa. Chúng ta không thể chiếm hữu hoặc xứng đáng tình yêu của Ngài được. Chúng ta chỉ có thể tiếp nhận tình yêu ấy như một tặng phẩm mà thôi. Như thế chọn lựa không phải là chuyện dễ. Giá chúng ta phải trả cho tình yêu cao cả nhất nầy là đập tan kiêu ngạo và tự nhận mình không xứng đáng với tình yêu ấy. Nếu giá đó không quá cao đối với bạn và bạn muốn tiếp nhận tình yêu nầy nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu trong tình trạng hiện tại thì bạn là người may mắn. Bạn nên tiếp nhận ngay giờ này.

Làm thế nào con người có thể tiếp nhận tình yêu nầy nơi Thượng Đế? Bạn hãy bắt đầu bằng lời cầu nguyện đơn sơ trong lòng rằng:“Cảm ơn Đức Chúa Trời, con xin tiếp nhận tình yêu từ nơi Ngài với tình trạng hiện nay của con.” Sau khi cầu nguyện như thế, có thể bạn không cảm thấy xúc động. Đó chỉ là một tình cờ. Cảm xúc là thứ yếu, điểm chính yếu là sự quyết định của ý chí, của con người toàn diện, liên hệ đến lý trí cũng như tình cảm và thân thể. Một khi bạn đã cầu nguyện như thế, hãy tin tưởng bây giờ bạn đang được yêu mặc dầu bạn là người như thế nào chăng nữa, và từ đây về sau, hãy xây cuộc đời bạn trên tiêu chuẩn bạn đã được Thượng Đế yêu tuyệt đối và toàn vẹn.

Nói cách thực tế, xây dựng lại đời sống có nghĩa là làm công việc hằng ngày không chút lo lắng, sợ hãi vì biết rằng Thượng Đế đã tiếp nhận và nâng đỡ chúng ta cách hoàn toàn. Bạn đang được tương giao thật sự với một thân vị tối cao quan trọng hơn hết trong đời sống. Chúng ta không còn phải sợ dư luận. Chúng ta không cần phải dấn thân vào những đấu tranh tàn bạo với kẻ khác để triệt hạ họ và tiến lên trước. Chúng ta không cần phải ở trong tình trạng căng thẳng để tranh quyền lợi với kẻ khác. Chúng ta không cần phải băn khoăn lo lắng cho cuộc sống; chúng ta không còn lo nghĩ không biết mình có tốt đẹp xứng đáng với Thượng Đế không, vì Ngài đã yêu chúng ta ngay cả lúc ta xấu xa nhất rồi. Giao phó hạnh phúc chúng ta cho Thượng Đế và suy nghĩ nhiều hơn về hạnh phúc kẻ khác chúng ta mới có thể thiết lập được gia đình, tình bạn hữu và xã hội trên nền tảng tình yêu “mặc dầu”.
Bằng chứng chúng ta đã nhận được tình yêu thuần khiết từ Thượng Đế là khả năng mới để yêu người khác mặc dù họ thế nào chăng nữa. “Chúng ta yêu vì Chúa đã yêu chúng ta trước” (I Giăng 4:19). Chúng ta có thể tha thứ những người trước kia chúng ta không thể nào tha thứ được, yêu những người trước kia chúng ta ghét. Điều nầy không có nghĩa là bỗng nhiên chúng ta trở thành một người tốt, nhưng vì Thượng Đế đã đổ đầy cho đến tuôn tràn trong chúng ta tình yêu của chính Ngài. Chúng ta trở nên ống dẫn của tình yêu thiên thượng. Ngay cả một ống rỉ sét cũng có thể phân phát nước sống mà không kiêu hãnh. Sống trong mối tương giao thân ái như thế với Thượng Đế và hiến thân phục vụ tha nhân, chính là một đời sống đầy trọn và thỏa mãn mà chúng ta thường khao khát.

Đáp ứng của bạn trước tình yêu

Nếu bạn chưa bao giờ tiếp nhận với ý thức và thận trọng tình yêu “mặc dầu” của Thượng Đế ban cho chúng ta qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, bạn có muốn tiếp nhận và cầu nguyện cảm ơn Ngài ngay giờ phút nầy không? Nếu bạn tiếp nhận tình yêu nầy nơi Thượng Đế, bạn có bằng lòng hiến thân làm một sứ giả của tình yêu không? Bạn có muốn truyền đạt tình yêu của Ngài cho người khác không? Bạn có muốn nhơn danh Chúa Cứu Thế Giê-xu yêu kẻ khác mặc dầu họ như thế nào chăng nữa? Ngay bây giờ, bạn hãy hiến mình cho Thượng Đế qua lời cầu nguyện thầm lặng để thực hành và truyền đạt tình yêu nầy cho người khác.


Masumi Toyotome

============================================

Nếu bạn cần tìm hiểu thêm và muốn nói chuyện với một ai đó về niềm tin, xin đừng ngại liên lạc với chúng tôi theo thông tin có ở phần giới thiệu về website. Hoặc bạn có thể click tại đây. Chúng tôi rất vui được trò chuyện cùng bạn để chia xẻ thêm về niềm tin

Trân trọng trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Giê-xu